Polyp lòng tử cung: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

1. Định nghĩa polyp lòng tử cung

Polyp lòng tử cung còn được gọi là polyp nội mạc tử cung là sự phát triển quá mức của các tuyến và mô nội mạc tử cung. Khối polyp có thể là tổn thương đơn lẻ hoặc đa polyp lấp đầy khoang tử cung, có kích thước từ vài milimet đến vài centimet hoặc lớn hơn, có cuống hoặc không cuống.

Nghiên cứu cho thấy, polyp trong lòng tử cung có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi phổ biến nhất là trong khoảng 40-50 tuổi. Phần lớn polyp là lành tính nhưng vẫn có nguy cơ tiến triển ác tính thành ung thư. (1)

Giáo trình sau ĐH Y Dược Huế

Case xoắn polyp ngày 09/09 /2024 tại khoa Phụ – HM -VS BVPS Tiền Giang

Polyp có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong lòng tử cung

2. Nguyên nhân gây polyp lòng tử cung

Hiện nay, nguyên nhân gây polyp lòng tử cung vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng sự gia tăng nồng độ và tác động của Estrogen nội sinh hay ngoại sinh có liên quan làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì thế, bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh nhưng hiếm gặp ở trẻ vị thành niên. (2)

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ được cho là có liên quan đến sự hình thành khối polyp trong lòng tử cung gồm:

  • Tăng huyết áp;
  • Béo phì (BMI ≥ 30);
  • Sử dụng thuốc Tamoxifen trong điều trị ung thư vú;
  • Phụ nữ sau mãn kinh điều trị liệu pháp hormone thay thế có chứa Estrogen;
  • Mắc hội chứng Cowden, hội chứng Lynch…

3. Dấu hiệu nhận biết polyp lòng tử cung

Polyp lòng tử cung có thể không gây bất cứ triệu chứng nào, nhiều trường hợp tình cờ phát hiện bệnh thông qua khám sức khỏe định kỳ, khảo sát hiếm muộn, sinh thiết buồng tử cung hoặc xét nghiệm tế bào học cổ tử cung.

Trong trường hợp gây triệu chứng, các biểu hiện của khối polyp trong lòng tử cung không điển hình, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như xuất huyết tử cung bất thường, xuất huyết nặng trong kỳ kinh hoặc giữa kỳ kinh, đau bụng, thiếu máu, đau sau khi quan hệ tình dục…

Các triệu chứng của polyp lòng tử cung như xuất huyết tử cung bất thường, đau bụng, thiếu máu… dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác

Các dấu hiệu  nhận biết và  đi khám phụ khoa

  • Xuất huyết âm đạo bất thường giữa kỳ kinh hoặc sau kỳ kinh.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường sau mãn kinh.
  • Đau và chảy máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
  • Khó thụ thai.

Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, nếu các triệu chứng kể trên kéo dài trên 2 tuần, chị em cần thăm khám ngay lập tức bởi ung thư tử cung cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Bất kể lúc nào khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, chị em cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, kiểm tra xác định nguyên nhân, từ đó can thiệp điều trị hiệu quả gốc rễ vấn đề để tránh các biến chứng nguy hiểm

4. Mức độ nguy hiểm polyp lòng tử cung

Phần lớn các khối polyp trong lòng tử cung là lành tính, chỉ cần theo dõi thường xuyên mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp khối polyp gây triệu chứng nặng hoặc tiềm ẩn nguy cơ tiến triển ác tính, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc. Chẳng hạn như:

  • Gây thiếu máu mạn tính do tình trạng xuất huyết tử cung.
  • Dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ… do âm đạo tăng tiết dịch khiến vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt.
  • Gây vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ do khối polyp cản trở sự làm tổ của trứng đã thụ tinh trong buồng tử cung.
  • Polyp lòng tử cung khi mang thai sẽ chèn ép sự phát triển bình thường của thai nhi, dễ gây dị tật cho thai nhi hoặc sảy thai, sinh non.
  • Một số polyp có thể tiến triển thành ung thư.

5. Chẩn đoán polyp trong lòng tử cung

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi thông tin chu kỳ kinh và độ dài kỳ kinh nguyệt, cũng như

  • Siêu âm qua ngả âm đạo: cho thấy hình ảnh rõ ràng khối polyp trong lòng tử cung.
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung: bơm nước đã vô trùng vào lòng tử cung để làm căng buồng tử cung, sau đó siêu âm để thấy hình ảnh những cấu trúc bất thường trong lòng tử cung cũng như thành tử cung.
  • Nội soi buồng tử cung: sử dụng một ống nội soi mảnh, nhỏ qua âm đạo và cổ tử cung để vào buồng tử cung. Bác sĩ cũng có thể kết hợp cắt polyp trong lúc nội soi.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: lấy mẫu mô tế bào để gửi đến phòng xét nghiệm mô bệnh học tìm kiếm sự hiện diện của tế bào ung thư.

( Nguồn internet)

6. Điều trị polyp lòng tử cung

Theo dõi bảo tồn

Polyp lòng tử cung có khả năng tự thoái triển, vì thế với những khối polyp kích thước nhỏ dưới 10mm, không gây triệu chứng và không có yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ khuyến khích chị em chấp nhận “sống chung” thay vì can thiệp điều trị. Tuy nhiên, chị em sẽ cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn thăm khám định kỳ để được theo dõi polyp lòng tử cung phát triển như thế nào.

Điều trị nội khoa

Chỉ can thiệp điều trị polyp xuất hiện ở lòng tử cung khi khối polyp gây triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống của phụ nữ. Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa thuốc nội tiết chứa progestin hoặc nhóm thuốc đồng vận hormone gonadotropin để cải thiện phần nào triệu chứng.

Cần lưu ý rằng, đây được xem là phương pháp điều trị tạm thời vì các triệu chứng của polyp lòng tử cung sẽ trở lại khi ngừng sử dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hầu như được chỉ định sử dụng trước khi can thiệp điều trị ngoại khoa.

Điều trị ngoại khoa

Việc can thiệp điều trị ngoại khoa thường được chỉ định trong những tình huống khối polyp kích thước lớn hơn 1,5cm, có đa polyp, khối polyp phát triển thò ra ngoài cổ tử cung hoặc điều trị polyp lòng tử cung trong can thiệp hỗ trợ sinh sản do hiếm muộn.

Phương pháp điều trị ngoại khoa polyp trong lòng tử cung gồm có:

  • Phẫu thuật nội soi buồng tử cung cắt polyp.
  • Cắt bỏ hoàn toàn tử cung trong tình huống phát hiện tế bào ung thư trong khối polyp.

Nghiên cứu cho thấy, điều trị polyp lòng tử cung có thể cải thiện đến 75-100% các triệu chứng do polyp gây ra.

 Trong trường hợp phụ nữ chưa sinh con hoặc chưa sinh đủ số con mong muốn cần áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản nhằm bảo tồn thiên chức làm mẹ.

Phác đồ thăm khám và điều trị cá thể hóa phối hợp điều trị toàn diện polyp lòng tử cung nhưng vẫn đảm bảo khả năng mang thai và sinh con của người phụ nữ.

7. Cách phòng ngừa bị polyp lòng tử cung

Đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây polyp lòng tử cung, vì thế chưa có giải pháp cụ thể để ngăn ngừa tình trạng này.

Tuy nhiên,  có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện điều độ để tăng sức đề kháng cũng như giữ mức cân nặng cân đối, kiểm soát tốt huyết áp… (4)

Bên cạnh đó, cần thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe nói chung và polyp trong lòng tử cung nói riêng, can thiệp điều trị sớm là giải pháp tốt nhất để tránh được các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra .

BS CK2 NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH – KHOA PHỤ – HIẾM MUỘN – VÔ SINH

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

  1. Giáo trình sản phụ khoa  dành cho đào tạo sau đại học tập 2 – phụ khoa trang 108-111

Tiếng Anh

  1. , R., & Manconi, F. (2019). Endometrial polyps: Pathogenesis, sequelae and treatment. Sage Open Medicine, 7, 205031211984824. https://doi.org/10.1177/2050312119848247
  2. Mansour, T. (2023, April 25). Endometrial polyp. StatPearls – NCBI Bookshelf. https://ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557824/
  3. Reese, D. (2018, September 28). Uterine polyps. WebMD. https://www.webmd.com/cancer/cervical-cancer/uterine-polyps
  4. Endometrial polyp. (n.d.). https://www.pathologyoutlines.com/topic/uterusendopolyp.html

Để lại một bình luận

Gọi Ngay
challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon