Các chị em đã có con và muốn tìm một phương pháp ngừa thai mà không phải nhớ sử dụng mỗi ngày, mà có hiệu quả trong nhiều năm thì biện pháp được lựa chọn nhiều nhất là cấy que và đặt vòng.
Chọn biện pháp ngừa thai nào cho phù hợp có lẽ là băn khoăn của rất nhiều người. Nhiều chị em phụ nữ thường có chung câu hỏi là “Biện pháp ngừa thai nào là tốt nhất?”. Trên thực tế sẽ không có biện pháp nào tốt nhất mà chúng ta cần tìm ra biện pháp phù hợp nhất. Vì mỗi biện pháp ngừa thai đều có ưu và nhược điểm, có chỉ định thực hiện được và cũng có những trường hợp chống chỉ định.
Vì vậy, việc lựa chọn cần có thời gian trao đổi giữa bạn và bác sĩ để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.
Có nhiều dạng que cấy, bài viết này cụ thể trao đổi về loại đang được sử dụng hiện nay que cấy Implanon NXT: loại chỉ có 1 thanh nhựa.
Implanon NXT 68mg
-
Cấy que ngừa thai là gì? Tác dụng trong bao lâu?
Implanon NXT là một que cấy chỉ chứa progestagen, không bị phân hủy sinh học, cản quang, và được đặt trong một dụng cụ vô khuẩn, dùng một lần. Tác dụng ngừa thai kéo dài trong 3 năm. Mỗi que cấy có tính cản quang chứa 68 mg etonogestrel; tốc độ phóng thích khoảng 60-70 mcg/ngày trong 5-6 tuần và giảm còn 35-45 mcg/ngày vào cuối năm đầu tiên, và sau đó khoảng 30-40 mcg/ngày vào cuối năm thứ hai và khoảng 25-30 mcg/ngày vào cuối năm thứ ba.
Nội tiết tố này có tác dụng ức chế rụng trứng, làm mỏng nội mạc tử cung và làm cho dịch nhầy cổ tử cung đặc lại, ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng.
Dụng cụ được thiết kế để cấy bằng một tay và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấy que cấy dưới da một cách chính xác.
-
Chỉ định/Công dụng
Tránh thai. Đã thiết lập tính an toàn và hiệu quả ở phụ nữ từ 18-40 tuổi.
-
Chống chỉ định
Thuốc tránh thai chỉ chứa progestagen không được dùng khi có bất kỳ tình trạng nào dưới đây:
+ Đã biết hoặc nghi ngờ có thai.
+ Đang bị rối loạn huyết khối tĩnh mạch.
+ Đã xác định hoặc nghi ngờ bị các bệnh ác tỉnh mẫn cảm với steroid sinh dục.
+ Đang có hoặc tiền sử có khối u gan (lành tính hoặc ác tính).
+ Hiện tại hoặc tiên sử bệnh gan nặng với các thông số chức năng gan chưa trở lại bình thường.
+ Xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân.
+ Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào của Implanon NXT.
-
Cấy que tránh thai được thực hiện như thế nào?
Khi cấy que ngừa thai, bác sĩ sẽ gây tê mặt trong cánh tay không thuận của bạn (thường là tay trái), sau đó dùng một dụng cụ chuyên biệt để luồn que cấy dưới da.
Thủ thuật khá nhẹ nhàng và nhanh chóng. Bạn sẽ cảm nhận que cấy giống như một cây tăm ở dưới da. Khi tháo bỏ thì bác sĩ cũng sẽ gây tê rồi dùng dụng cụ gắp ra nhẹ nhàng.
-
Cho con bú mẹ thì có cấy que được không?
Vì que cấy ngừa thai không chứa estrogen, nên bạn có thể sử dụng khi cho con bú. Mặc dù 1 lượng nhỏ hormone từ que cấy ngừa thai có thể vào sữa mẹ, nhưng nó không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, cũng như không ảnh hưởng đến sự tiết sữa và và lượng sữa mẹ.
Nếu bạn đang cho con bú và muốn sử dụng que cấy ngừa thai, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Thời điểm có thể cấy que tốt nhất là sau sanh từ 4-6 tuần trở lên.
Ngoài ra bạn vẫn có thể lựa chọn các phương pháp ngừa thai khác như uống thuốc ngừa thai loại dành cho con bú chỉ có progestin hay loại ngừa thai kết hợp (từ tháng thứ 6 trở đi) hay sử dụng bao cao su.
-
Nên đi cấy que vào thời điểm nào?
Bạn nên đến khám trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt và chưa có quan hệ tình dục kể từ khi ra máu kinh. (Nghĩa là ngày bạn bắt đầu ra máu kinh tính là ngày 1, bạn đến bệnh viện trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 5).
-
Đang cho con bú và chưa có kinh trở lại thì thời điểm nào tốt nhất để cấy que
Sau sanh và đang có con bú, thời điểm có thể cấy que tốt nhất là sau sanh từ 4-6 tuần trở lên. Khi chưa có kinh trở lại bạn có thể đến bệnh viện để được tư vấn và cấy que bất kỳ thời điểm nào nếu chắc chắn là đang không có thai. Và sau khi cấy bạn cần sử dụng thêm 1 biện pháp ngừa thai hỗ trợ trong 7 ngày kế tiếp.
-
Một số tác dụng phụ khi dùng que cấy tránh thai
Cấy que tránh thai có thể gặp một số tác dụng phụ sau:
-
Tại vị trí cấy hoặc tháo que:
Đau, bầm tím hoặc sưng tụ máu (rất ít gặp).
Nhiễm trùng, áp xe.
Có thể để lại sẹo nhỏ.
-
Ảnh hưởng của nội tiết sau khi cấy:
Rất thường gặp: Nhiễm khuẩn âm đạo, đau đầu, trứng cá, căng vú, đau vú, kinh nguyệt không đều, tăng cân.
Thường gặp: Tăng cảm giác ngon miệng, dễ xúc cảm, trầm cảm, căng thẳng, lo lắng, giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, cơn bốc hỏa, đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, rụng tóc, đau bụng kinh, nang buồng trứng, đau tại chỗ cấy, phản ứng tại chỗ cấy, mệt mỏi, bệnh giống cúm, đau, giảm cân.
Những điều cần lưu ý:
– Sau khi cấy que ngừa thai, bạn cần theo dõi chỗ vị trí cấy, nếu có dấu hiệu rỉ dịch, sưng – nóng – đỏ – đau cần quay lại bệnh viện ngay. Bạn cần dùng thêm biện pháp ngừa thai hỗ trợ (bao cao su) trong tuần đầu để đảm bảo hiệu quả ngừa thai vì lượng thuốc vào cơ thể chưa ổn định.
– 1 tháng sau bạn cần tái khám để bác sĩ theo dõi vị trí que cấy và các dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt.
– Có khoảng 20-30% phụ nữ vô kinh (không ra kinh) trong khi sử dụng que cấy. Đó là tác dụng mong muốn của que cấy là giảm lượng máu kinh xuống thấp nhất hoặc vô kinh. Hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
– Số còn lại có sự thay đổi trong kinh nguyệt: có người ra kinh lượng nhiều hơn hoặc ít hơn, chu kỳ kinh kéo dài hơn hoặc ngắn lại, với đa số là giảm sự ra máu. Tình trạng này thường giảm hoặc mất sau 1 năm cấy que.
Nguồn:
Tờ HDSD thuốc kèm sản phẩm.
https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/thong-tin-thuoc/
https://www.mims.com/vietnam/drug/info/implanon%20nxt
KHOA DƯỢC – BVPS TG
Tin cùng chủ đề
TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ VÚ
Tầm soát ung thư vú Mục tiêu tầm soát ung thư vú là tìm ra...
ĐẢNG BỘ BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: Hội nghị Đối thoại với cấp ủy, người đứng đầu theo Luật Thanh niên 2020
Ngày 24/10/2024 BCH Chi đoàn cơ sở Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tổ chức...
BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: THỰC HIỆN QUẢN LÝ DỤNG CỤ Y TẾ TẬP TRUNG
Quản lý dụng cụ tập trung là mọi dụng cụ y tế sử dụng lại...
BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: Tổ chức lớp Cập nhật kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ
Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã tổ chức lớp tập huấn Cập nhật kiến...
Thuốc đặt là gì? Cách sử dụng thuốc đặt
1. Khái niệm: Thuốc đặt (suppository), còn gọi là thuốc đạn, thuốc trứng hoặc thuốc...
Cho trẻ bú sữa mẹ theo nhu cầu
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Khi vừa chào đời, nó chỉ bé...