NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN VÀ CÁC BIÊN PHÁP DỰ PHÒNG NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN

I. NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN

  1. Khái niệm nhiễm khuẩn bệnh viện

– Trước đây thuật ngữ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) (nosocomial infection) được gọi là nhiễm khuẩn mắc phải ở bệnh viện (hospital acquyres infection) hay nhiễm khuẩn do thầy thuốc, nhân viên y tế (NVYT).

– Ngày nay, WHO đã thay đổi và gọi NKBV là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (nosocomial healthcare associate infecton-NHAI) nhằm chỉ các nhiễm khuẩn bị mắc phải ở bệnh viện.

– Khái niệm NKBV ở đây được hiểu là cả nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm khi thỏa mãn các điều kiện về không gian và thời gian.

Do vậy, khái niệm về NKBV: Nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế (NKBV) là nhiễm khuẩn bắt đầu xày ra sau khi người bệnh nhập viện sau 48h (02 ngày) mà trước đó người bệnh không có biểu hiện nhiễm khuẩn hay bất kỳ dấu hiệu nào đang trong thời kỳ ủ bệnh (ngày nhập viện=ngày 1).

– Nhiễm khuẩn sau khi người bệnh ra viện cũng được coi là NKBV nếu nhiễm khuẩn đó mắc phải trong thời gian nằm viện.

Sơ đồ minh họa NKBV

  1. Các yếu tố thuận lợi gây NKBV

– Nhiều người bệnh bị nhiễm khuẩn vào bệnh viện khám, điều trị nên có nhiều vi sinh vật gây bệnh cư trú ở bệnh viện.

– Do NVYT tiếp xúc thường xuyên với vi sinh vật nên trở thành người lành mang mầm bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác.

– Nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc mức độ cao, đa kháng thuốc do quá trình sử dụng kháng sinh qua nhiều thế hệ và có sự chọn lọc các vi khuẩn kháng thuốc.

– Người bệnh nằm viện có hệ miễn dịch giảm sút do bệnh tật, tuổi cao, do dùng thuốc hoặc hóa chất gây suy giảm miễn dịch.

– Các phương pháp điều trị xâm lấn: phẫu thuật, nội soi, đặt catheter là tăng nguy cơ vi sinh vật xâm nhập qua da, niêm mạc, phẫu thuật…

  1. Tác động, tác nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện

3.1. Tác động của nhiễm khuẩn bệnh viện

– Tăng tỷ lệ tử vong.

– Tăng thời gian nằm viện.

– Tăng sử dụng kháng sinh.

– Tăng đề kháng kháng sinh.

– Tăng chi phí điều trị.

=> Giảm chất lượng chăm sóc người bệnh; giảm sự hài lòng của người bệnh với bệnh viện.

3.2. Tác nhân của nhiễm khuẩn bệnh viện

* Đối với người bệnh:

– Tác nhân thường gặp:

+ Vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng.

+ Vi khuẩn đa kháng.

– Tác nhân gây dịch: Cúm, SARS, Covid 19, vũ khí sinh học….

* Đối với nhân viên y tế:

– Tai nạn nghề nghiệp: Tiêm truyền, bắn máu, dịch cơ thể….thường gặp nhất:
+ Tai nạn rủi ro từ kim tiêm và vật sắc nhọn nhiễm khuẩn.

+ Bắn máu và dịch từ người bệnh vào niêm mạc mắt, mũi, miệng khi làm thủ thuật hoặc tiếp xúc bệnh nhân.

+ Da tay không lành lặn tiếp xúc với máu và dịch sinh học của bệnh nhân có chứa tác nhân gây bệnh.

– Tác nhân gây dịch: Cúm, SARS, Covid 19, vũ khí sinh học….

  1. Vai trò của việc nghiên cứu nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhiễm khuẩn vết mổ (Postoperative surgical infection rate) là chỉ tiêu số 21 trong 70 chỉ tiêu theo quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế (Thông tư số 20/2019/TT-BYT ngày 31/7/2019 của Bộ Y tế quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế).

II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN:

Phòng chống nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh thành công. Nhiễm khuẩn có thể kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh, gây mệt mỏi về thể chất, tinh thần cũng như tốn kém chi phí điều trị và sinh hoạt
Rửa tay là biện pháp quan trọng nhất, ngăn ngừa lây lan vi sinh vật từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác qua tay các bác sĩ, điều dưỡng. Vấn đề này dễ bị xem thường và không tuân thủ đúng quy định.

  1. Rửa tay

Năm 2008, Liên Hợp quốc đã chọn ngày 15-10 hàng năm là ngày Thế giới rửa tay với xà phòng: Vệ sinh tay là biện pháp đầu tiên của 9 biện pháp phòng ngừa chuẩn trong chăm sóc người bệnh.

Ảnh vệ sinh tay thường quy

  1. Dùng dụng cụ vô khuẩn

Thực hiện nghiêm ngặt quy trình vô khuẩn: cọ rửa dụng cụ, khử khuẩn và tiệt khuẩn dụng cụ đúng quy trình.

Ảnh hoạt động khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Cách ly bệnh nhân

Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ có nguy cơ lây truyền bệnh đều được nằm ở phòng cách ly.

  1. Bệnh nhân sử dụng dụng cụ riêng

Bơm, kim tiêm, các loại ống thông, ống hút, đồ dùng cá nhân… dùng riêng cho từng bệnh nhân.

  1. Quản lý chất thải trong khoa phòng và bệnh viện

– Thùng đựng chất thải, rác có nắp đậy kín, để đúng nơi quy định; khi chuyên chở phải đảm bảo vệ sinh.

– Chất thải được xử lý trước khi đưa ra ngoài bệnh viện.

III. PHÒNG CHỐNG NHIỄM KHUẨN TRONG BỆNH VIỆN CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA NGƯỜI BỆNH

Môi trường bao gồm không khí, nước, bề mặt vật dụng xung quanh người bệnh là các nguồn có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho người bệnh. Đôi khi, sự vô tình của người bệnh hoặc người chăm sóc cũng có thể mang đến nguy cơ nhiễm khuẩn cao cho người bệnh.

Vai trò của người nhà chăm sóc

Bên cạnh nhân viên y tế, bản thân người bệnh và người chăm sóc cũng góp phần quan trọng trong phòng chống nhiễm khuẩn, nhằm cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Người chăm sóc là người đồng hành cùng người bệnh từ khi bắt đầu tiếp nhận thông tin bệnh đến khi lựa chọn phác đồ điều trị và cùng đội ngũ y bác sĩ chăm sóc toàn diện người bệnh tại bệnh viện.

Người chăm sóc hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, thay mặt người bệnh trao đổi những vấn đề về chăm sóc và điều trị với nhân viên y tế, đồng thời phối hợp cùng điều dưỡng nhắc nhở, theo dõi việc dùng thuốc của người bệnh. Người chăm sóc còn là người kết nối với những người đồng bệnh và người chăm sóc khác, góp phần tạo nên môi trường sinh hoạt an toàn cho người bệnh

Giữ gìn vệ sinh tại buồng bệnh

Môi trường tại buồng bệnh đặc biệt quan trọng để phòng chống nguy cơ nhiễm khuẩn cho người bệnh. Người bệnh, người chăm sóc cần lưu ý:

    • Người bệnh phải mặc quần áo bệnh viện theo quy chế trang phục y tế và sử dụng đồ dùng riêng cho từng cá nhân
    • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; rửa tay thường xuyên, sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị đồ ăn cho người bệnh
    • Vệ sinh giường bệnh gọn gàng, sạch sẽ: chăn, ga, gối gấp gọn; nếu người bệnh có thể tự chủ sinh hoạt thì không ăn uống, sinh hoạt tại giường bệnh
    • Giữ vệ sinh sạch sẽ tủ đầu giường và các vật dụng xung quanh giường bệnh, trong phòng bệnh
    • Giữ sạch sẽ, khô thoáng đồ dùng cá nhân, nên có hộp bảo quản riêng
    • Phơi đồ đúng nơi quy định, tránh phơi trong nhà vệ sinh, chỗ ẩm thấp
    • Đi vệ sinh đúng nơi quy định, sử dụng các thiết bị vệ sinh đúng cách
    • Vứt rác đúng nơi quy định
    • Hạn chế mang đồ dùng không cần thiết tới viện
    • Tuyệt đối không đun nấu ăn tại buồng bệnh, tập trung ăn uống hay hút thuốc
    • Không khuyến khích người thân đến thăm bệnh

IV. KẾT LUẬN

Việc phòng ngừa nhiễm khuẩn Bệnh viện là một trong những việc làm hết sức quan trong trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

BS CK2 Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn BVPS

Tài liệu tham khảo:

  1. Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 31/7/2019 của Bộ Y tế trang 6-24.
  2. Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 28.8.2017 trang 3-13.
  3. Quyết định số 3916/QĐ-BYT ngày 27.09.2012 trang 8-172.
Tin cùng chủ đề

Để lại một bình luận

Gọi Ngay
challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon