Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới WHO và Bộ Y tế Việt Nam, ngay sau khi sinh, bé cần tiếp xúc “da kề da” với mẹ. Biện pháp này mang đến nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
“Da kề da” được ví như là “Cái ôm đầu tiên” của mẹ dành cho bé. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, trẻ luôn ở trong lòng mẹ, nhận được hơi ấm và sự bảo vệ từ mẹ. Vì vậy, khi vừa chào đời, nếu không được vòng tay yêu thương, ấm áp từ người mẹ ôm ấp bé thì đó là một sự hụt hẫng lớn đối với bé. Trong chốc lát, bé sẽ bị tách rời khỏi môi trường sống quen thuộc và sự liên kết với mẹ để thích nghi với môi trường mới nhiều tiếng động lạ, nhiều ánh sáng và các tác động khác lên các giác quan “non nớt” của mình. Do đó, da kề da ngay sau sinh là cách tốt nhất để bé được trở lại với sự ấm áp và an toàn của mẹ, là “ cái ôm đầu tiên” dành cho bé.
Thực hiện da kề da tại Phòng mổ
Trong thực tế “ Da kề da” được thực hiện như sau: ngay sau khi sổ thai (thai ra ngoài), bác sĩ sẽ đỡ bé, tiến hành lau khô bé, đội mũ và đặt bé nằm sấp áp vào da mẹ, đầu nghiêng về một bên và đắp lên một khăn sạch, khô để giữ ấm cho bé (mẹ đã được mặc sẵn áo choàng kangaroo). Như vậy toàn bộ thân trước của bé được tiếp xúc “da kề da” với mẹ. Mẹ có thể ôm ấp bé, bé sẽ tự động tìm đến vú mẹ theo bản năng, điều này sẽ giúp mẹ xuống sữa sớm hơn, tử cung mẹ sẽ go bóp tốt hơn để cầm máu, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Da kề da liên tục trong vòng 90 phút sau sinh và hoàn tất cử bú đầu tiên (trên 15 phút).
Lợi ích của da kề da ngay sau sinh
Lợi ích của da kề da sau sinh vô cùng tuyệt vời. Các chuyên gia y tế cho rằng, phương pháp này giúp bé trở nên thân thiện hơn với bố mẹ, tăng cường phát triển nhận thức của bé, giúp mẹ giảm lo lắng. Da kề da sau sinh là cách hoàn hảo nhất để bé cảm nhận được tình yêu từ cha mẹ, giúp con phát triển một cách toàn diện nhất.
* Lợi ích cho trẻ:
– Trẻ được giữ ấm, ổn định nhịp tim, nhịp thở và đường huyết.
– Tạo điều kiện cho sự phát triển tối ưu của não.
– Kích thích hệ tiêu hóa và giúp bé tăng cân đều
– Kích thích hệ miễn dịch cho trẻ
– Trẻ được bú sớm, sữa về nhiều hơn.
– Các trẻ được tiếp xúc trực tiếp da kề da ít khóc hơn so với các trẻ được bệnh viện chăm sóc.
* Gắn kết tình cảm mẹ con
– Thời gian cho bú mẹ lâu hơn
– Cử bú đầu tiên thành công cao hơn, từ đó giúp tăng tỷ lệ bé bú mẹ hoàn toàn.
– Trẻ bú sớm giúp việc go hồi tử cung mẹ tốt hơn, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.
– Các bà mẹ dễ dàng cho con bú hơn trong những ngày đầu sau đẻ
– Mẹ được thư giãn, bớt lo âu và gần gũi với con nhiều hơn.
Tầm quan trọng của tiếp xúc da kề da tại các thời điểm khác nhau
* 0 – 90 phút sau khi sinh: Rất quan trọng cho sự phát triển não bộ của trẻ.
* 0 – 7 giờ sau khi sinh: Giúp ổn định nhịp thở và nhịp tim trong giai đoạn phục hồi.
* 7 – 24 giờ sau khi sinh: Giúp bé hình thành lịch bú sữa mẹ và chu kỳ ngủ ổn định.
* 12 giờ – 8 tuần sau sinh: Gắn bó thêm tình cảm mẹ con. Sự gần gũi giữa mẹ và con muộn hơn không thể bù đắp cho sự chia cách khi sinh.
Hiểu được tầm quan trọng của phương pháp DA KỀ DA, Bệnh viện Phụ Sản Tiền Giang không chỉ cho mẹ và bé da kề da ngay sau sinh thường mà còn sinh mổ và còn hướng dẫn sản phụ, gia đình tiếp tục duy trì phương pháp này trong thời gian tiếp theo.
Da kề da sau sinh có lẽ là những giây phút tuyệt vời và hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm mẹ của mỗi người phụ nữ. Da kề da sau sinh là một can thiệp nhỏ có sự tham gia của người mẹ cùng đội ngũ y tế, mang lại ý nghĩa lớn trong việc giảm bệnh tật và tử vong mẹ cũng như trẻ sơ sinh.
Mai Phương
Tin cùng chủ đề
TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ VÚ
Tầm soát ung thư vú Mục tiêu tầm soát ung thư vú là tìm ra...
ĐẢNG BỘ BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: Hội nghị Đối thoại với cấp ủy, người đứng đầu theo Luật Thanh niên 2020
Ngày 24/10/2024 BCH Chi đoàn cơ sở Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tổ chức...
BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: THỰC HIỆN QUẢN LÝ DỤNG CỤ Y TẾ TẬP TRUNG
Quản lý dụng cụ tập trung là mọi dụng cụ y tế sử dụng lại...
BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: Tổ chức lớp Cập nhật kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ
Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã tổ chức lớp tập huấn Cập nhật kiến...
Thuốc đặt là gì? Cách sử dụng thuốc đặt
1. Khái niệm: Thuốc đặt (suppository), còn gọi là thuốc đạn, thuốc trứng hoặc thuốc...
Cho trẻ bú sữa mẹ theo nhu cầu
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Khi vừa chào đời, nó chỉ bé...