Trong thời điểm hiện nay, với sự phát triển của y học đang có rất nhiều biện pháp ngừa thai hiệu quả và an toàn. Trong đó phương pháp cấy que tránh thai đã và đang được rất nhiều chị em phụ nữ tin tưởng lựa chọn. Que cấy tránh thai là phương pháp tránh thai mới được sử dụng thay thế cho những chị em không thích hợp để đặt vòng tránh thai.
1. Que tránh thai là gì?
– Que cấy Implanon là ống nhựa dẻo có kích thước nhỏ, bên trong ống có chứa nội tiết tố Etonogestrel hoặc Levonorgestrel có tác dụng tránh thai, que cấy tránh thai được cấy vào bên dưới cánh tay không thuận của chị em phụ nữ.
– Sau khi que cấy tránh thai được cấy cơ thể sẽ phát huy tác dụng sau 24h và có tác dụng kéo dài trong khoảng 3 năm tùy vào loại que cấy. Trong thời gian cấy que tránh thai các chị em không cần dùng thêm biện pháp tránh thai nào khác.
Hình ảnh que tránh thai Implanon
2. Cơ chế tránh thai
Que tránh thai có tác dụng tránh thai dựa theo 2 cơ chế chính là:
– Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng đi vào buồng tử cung.
– Ngăn cản quá trình rụng trứng (ở hơn phân nửa các chu kỳ).
3. Hiệu quả tránh thai của que cấy
Que cấy tránh thai là một biện pháp ngừa thai rất đáng tin cậy. Biện pháp này giúp ngừa thai với hiệu quả lên tới trên 99% và kéo dài từ 3-5 năm (tùy loại que) sau một lần cấy duy nhất. Tuy nhiên, que cấy tránh thai không có tác dụng phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và HIV/AIDS.
Hình ảnh Que cấy tránh thai
4. Quy trình cấy que tránh thai
– Trước khi cấy que: bác sĩ sẽ đánh giá về tính ổn định của que cấy tránh thai (bao gồm cả ưu điểm và nhược điểm) và thảo luận các vấn đề sức khỏe.
– Thực hiện thủ thuật: Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật như sau:
+ Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ thuốc gây tê ở phía trong cánh tay không thuận của bạn.
+ Sau khi thuốc gây tê có tác dụng, bác sĩ sẽ cấy que tránh thai ở vùng dưới da cánh tay bằng dụng cụ hỗ trợ cấy vô trùng. Sau khi thực hiện cấy xong sẽ được quấn băng tại chỗ cấy trong 24 giờ. Việc cấy que tránh thai thường diễn ra trong vòng vài phút.
– Sau khi cấy: sẽ được tư vấn về các biểu hiện bất thường sau khi cấy que và các trường hợp phải gặp bác sĩ.
Hình ảnh bác sĩ thực hiện cấy que tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
5. Quy trình tháo que tránh thai
Tháo que cấy tránh thai:
– Trước hết, bác sĩ sẽ tiêm một mũi gây tê vào ngay bên dưới phần cuối của que cấy tránh thai.
– Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ở trên da và phần cuối của que cấy sẽ được đẩy qua vết rạch nhỏ này.
– Sau đó vùng phẫu thuật sẽ được băng lại ngay sau đó.
Thông thường, việc tháo que cấy tránh thai mất khoảng vài phút. Sau khi tháo que tránh thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Hình ảnh tháo que tránh thai
6. Vấn đề vô kinh khi sử dụng Implanon
Sau 1 năm sử dụng, Implanon hay gây ra tình trạng vô kinh. Tùy theo quan niệm của mỗi người mà đây có thể là ưu điểm hay là nhược điểm của que cấy này. Nếu một phụ nữ ra máu ít hay không ra máu kinh thì điều này có lợi cho sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu thiếu sắt hay gặp ở phụ nữ hay không hạn chế họ trong các hoạt động vui chơi. Do đó không nên xem vấn đề này là một bất lợi khi cân nhắc sử dụng Implanon
7. Các trường hợp cần thận trọng
– Cho trẻ bú dưới 6 tuần sau sinh
– Có huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân hay phổi.
– Xuất huyết âm đạo chưa giải thích được.
– Ung thư vú hay có tiền căn ung thư vú.
– Đang có bệnh lý gan nặng.
– Đang sử dụng thuốc chống động kinh hay thuốc điều trị lao (rifampicin).
Qua thời gian triển khai thực hiện phương pháp cấy que tránh thai Implanom cho các khách hàng trong độ tuổi sinh đẻ muốn thực hiện một biện pháp tránh thai hiệu quả, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã có hơn 100 trường hợp thực hiện cấy que tránh thai và gần 20 trường hợp tháo que tránh thai tại bệnh viện./.
KHOA KHÁM – DINH DƯỠNG
* Tài liệu tham khảo:
– Phác đồ điều trị sản phụ khoa 2019 – Bệnh viện Từ Dũ
– Phác đồ điều trị năm 2023 – Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
– Giáo trình Sản phụ khoa dành cho đào tạo sau đại học Tập 1- Trường Đại học y dược Huế
Tin cùng chủ đề
TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ VÚ
Tầm soát ung thư vú Mục tiêu tầm soát ung thư vú là tìm ra...
ĐẢNG BỘ BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: Hội nghị Đối thoại với cấp ủy, người đứng đầu theo Luật Thanh niên 2020
Ngày 24/10/2024 BCH Chi đoàn cơ sở Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tổ chức...
BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: THỰC HIỆN QUẢN LÝ DỤNG CỤ Y TẾ TẬP TRUNG
Quản lý dụng cụ tập trung là mọi dụng cụ y tế sử dụng lại...
BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: Tổ chức lớp Cập nhật kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ
Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã tổ chức lớp tập huấn Cập nhật kiến...
Thuốc đặt là gì? Cách sử dụng thuốc đặt
1. Khái niệm: Thuốc đặt (suppository), còn gọi là thuốc đạn, thuốc trứng hoặc thuốc...
Cho trẻ bú sữa mẹ theo nhu cầu
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Khi vừa chào đời, nó chỉ bé...