BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG: Dịch vụ khoét chóp cổ tử cung tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang

Hiện nay, điều trị tiền ung thư cổ tử cung có nhiều phương pháp, có thể kể đến như: áp lạnh, khoét chóp bằng vòng điện, khoét chóp bằng dao lạnh,… Trong đó, phương pháp khoét chóp cổ tử cung cho thấy nhiều ưu điểm và được sử dụng phổ biến. Khoét chóp cổ tử cung là thủ thuật an toàn, mặc dù vẫn dẫn đến các biến chứng như giảm tỷ lệ mang thai, tăng nguy cơ sẩy thai nhưng phương pháp này vẫn được đánh giá cao vì điều trị tốt cho polyp cổ ngoài cổ tử cung và cả ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.

Khoét chóp cổ tử cung bằng dòng điện là thủ thuật cắt bỏ một phần hình nón của cổ tử cung để loại bỏ tổn thương

Từ năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã triển khai thực hiện kỹ thuật khoét chóp cổ tử cung cho các khách hàng có tiền ung thư cổ tử cung khi đến khám tại bệnh viện.

1. Khoét chóp cổ tử cung là gì?

Khoét chóp cổ tử cung là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vùng chuyển tiếp ở cổ tử cung bị tổn thương nằm trong âm đạo theo hình chóp nón, có đáy là hai môi trước và sau cổ tử cung.

2. Khi nào bạn cần thực hiện khoét chóp cổ tử cung?

Khoét chóp cổ tử cung có thể cần thiết để:

– Chẩn đoán các xét nghiệm Pap bất thường liên tục.

– Điều trị các tân sinh tiền ung thư cổ tử cung.

3. Khoét chóp cổ tử cung chỉ định trong trường hợp nào và có chống chỉ định gì không?

 Mục đích của kỹ thuật khoét chóp cổ tử cung là điều trị các tổn thương tân sinh tiền ung thư cổ tử cung (loạn sản biểu mô các mức độ từ nhẹ đến nặng).

* Chỉ định trong các trường hợp sau:

– Có tổn thương tân sinh tiền ung thư cổ tử cung.

– Kết quả xét nghiệm Pap-smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) bất thường liên tục hoặc không phù hợp với kết quả giải phẫu bệnh, không quan sát được trọn vẹn vùng chuyển tiếp.

* Chống chỉ định trong các trường hợp sau:

– Người bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp chưa được điều trị ổn định;

– Người bệnh rối loạn đông máu;

– Người bị viêm nhiễm vùng chậu mức độ vừa và nặng: Trì hoãn thực hiện tới khi điều trị khỏi;

– Người đang mang thai: Trì hoãn thực hiện đến hết thời kỳ hậu sản.

Mô phỏng khoét chóp cổ tử cung cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung

4. Khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung có bị tác dụng phụ gì không?

Bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng có tác dụng phụ, nhưng không phải tất cả mọi người đều có cùng một tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ của khoét chóp cổ tử cung bao gồm:

– Co thắt và khó chịu nhẹ

– Rỉ máu hoặc chảy máu

– Dịch tiết âm đạo màu nâu hoặc vàng

– Nhiễm trùng

Hậu phẫu thuật, thay đổi trong dịch âm đạo là biểu hiện dễ thấy nhất

5. Điều trị tiền ung thư cổ tử cung bằng khoét chóp CTC có hiệu quả không?

Tùy mức độ bệnh lý sau khi khoét chóp mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí thích hợp. Ví dụ, với những khách hàng có tổn thương tiền ung thư mức độ 2 sau khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung cho kết quả giải phẫu bệnh là tiền ung thư mức độ 2 hoặc mức độ 3. Đa số những trường hợp này nếu đã lấy được hết tổn thương, khách hàng không cần điều trị gì thêm mà chỉ cần theo dõi trung bình mỗi 3 tháng, mỗi 6 tháng trong khoảng 5 năm sau đó.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà sau khi khoét chóp cho kết quả tổn thương ở mức độ cao hơn có thể là ung thư cổ tử cung hoặc không lấy hết được tổn thương do quá rộng. Với những trường hợp này, khách hàng sẽ được bác sĩ tư vấn thực hiện can thiệp điều trị cao hơn. Nếu trường hợp kết quả là ung thư cổ tử cung, khách hàng có thể phải cắt cổ tử cung tùy thuộc vào giai đoạn ung thư để đưa ra hướng xử trí cắt cổ tử cung ở mức độ nào.

6. Quy trình khoét chóp cổ tử cung thực hiện ra sao?

Quy trình khoét chóp cổ tử cung thường được thực hiện nhanh chóng và an toàn khoảng 1 giờ. Ngoài mục đích lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định, bác sĩ cũng có thể thực hiện phương pháp này để loại bỏ hoàn toàn mô bệnh ở cổ tử cung. Quy trình kỹ thuật gồm các bước sau:

* Chuẩn bị trước khi thực hiện thủ thuật khoét chóp:

–  Người bệnh đã được soi cổ tử cung và sinh thiết làm mô bệnh học trước khi có chỉ định khoét chóp.

– Hẹn bệnh nhân đến thực hiện khoét chóp ở thời điểm kinh ngày 6 của chu kỳ kinh nguyệt.

– Tư vấn cho người bệnh về quy trình kỹ thuật, nguy cơ và biến chứng và đề nghị người bệnh ký vào bản cam đoan phẫu thuật, thủ thuật khi được bác sĩ tư vấn đầy đủ.

– Bác sĩ sẽ gây mê hoặc gây tê vùng cần thực hiện khoét chóp.

– Người bệnh nằm tư thế sản phụ khoa, thông tiểu.

* Tiến hành khoét chóp:

– Bước 1. Đặt thông tiểu. Sát khuẩn âm đạo, bộc lộ cổ tử cung, xác định vùng tổn thương bằng test Lugol.

– Bước 2. Dùng bơm tiêm có kim dài tiêm thuốc gây co mạch quanh chu vi cổ ngoài.

– Bước 3. Cặp cổ tử cung kéo ra phía âm hộ. Dùng dao rạch chếch theo hình nón cụt, đỉnh ở trong quanh cổ tử cung ở phía ngoài vùng tổn thương, bắt đầu từ nửa sau, khoảng 2-3mm phía ngoài vùng chuyển tiếp. Nếu dùng tia laser: đặt công suất ở mức 30W.

– Bước 4. Dùng kéo/dao điện cắt thẳng góc với ống cổ tử cung ở đáy phần
khoét. Kẹp cầm máu diện cắt.

– Bước 5. Đốt cầm máu diện cắt.

– Bước 6. Sát khuẩn lại âm đạo. Gửi bệnh phẩm làm mô bệnh học

 Thủ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) điều trị ung thư cổ tử cung

7. Bạn nên làm gì sao khi khoét chóp cổ tử cung?

– Sau khi thực hiện khoét chóp, tổn thương cần thời gian để lành lại và khách hàng có thể gặp tình trạng chảy máu âm đạo. Nhưng hiện tượng này sẽ hết sau ít ngày.

– Sau khi thực hiện thủ thuật khoét chóp cổ tử cung khách hàng được tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại phòng lưu bệnh khoảng 1-4 giờ. Nếu tình trạng ổn định, khách hàng có thể được ra về và tiếp tục theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Hầu hết trường hợp khách hàng có thể trở lại hoạt động bình thường sau khoảng 1 tuần.

– Sau khi làm thủ thuật, nếu gặp phải những tình trạng sau khách hàng cần báo ngay với bác sĩ: đau ở vùng chậu, ra máu số lượng nhiều, có thể có cục máu đông, đau bụng dữ dội, hoặc có tình trạng nhiễm trùng sau như sốt, ra dịch âm đạo có mùi hôi,… .

– Sau khi khoét chóp cổ tử cung, khách hàng vẫn cần khám sàng lọc cổ tử cung và xét nghiệm Pap smear định kỳ theo tư vấn của bác sĩ.

– Trong quá trình thực hiện thủ thuật, khách hàng cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để thủ thuật diễn ra thuận lợi, tránh các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra.

– Uống kháng sinh 7 ngày theo toa của bác sĩ.

– Vệ sinh âm hộ và lau sạch dịch tiết bằng betadin 2 lần/ ngày trong 5 ngày

– Kiêng giao hợp trong 6 tuần.

Tóm lại, phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung là vô cùng quan trọng góp phần giảm nguy cơ gây ung thư cổ tử cung. Khoét chóp cổ tử cung trong giai đoạn tổn thương còn nhỏ và ở giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán cũng như điều trị và theo dõi về sau. Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang là bệnh viện chuyên khoa sản phụ khoa của tỉnh với đội ngũ bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình khám, tư vấn và điều trị kĩ lưỡng cùng đầy đủ trang thiết bị hiện đại là sự lựa chọn hàng đầu được khách hàng tin tưởng với các vấn đề liên quan đến phụ khoa./.

KHOA KHÁM – DINH DƯỠNG

Tài liệu tham khảo:

– Bệnh viện Từ Dũ

– Bệnh viện Hùng Vương.

Tin cùng chủ đề

Để lại một bình luận

Gọi Ngay
challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon