Áp xe vú sau sinh là gì?
Áp xe vú sau sinh là tình trạng viêm sưng, nóng, đỏ và đau nhức ở vú do tình trạng tích tụ mủ trong vú, thường phát triển do nhiễm trùng vú không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đầy đủ. Thống kê cho thấy, khoảng 5-11% các trường hợp áp xe vú sau khi sinh là ở phụ nữ sau sinh và đang cho con bú, phổ biến nhất từ tuần thứ 3-8 sau khi sinh.
Áp xe vú sau sinh có thể hình thành ở trước, trong hoặc sau tuyến vú. Quá trình tiến triển của một ổ áp xe thường trải qua ba giai đoạn, bao gồm giai đoạn viêm nhiễm, giai đoạn tạo thành ổ áp xe và cuối cùng là giai đoạn tiến triển sang hoại tử.
Dấu hiệu áp xe vú sau sinh
Mẹ sau sinh và cho con bú nếu có những biểu hiện dưới đây sẽ được chẩn đoán là áp xe vú:
- Có cảm giác sưng đau, căng tức và nóng rát ở bầu ngực.
- Da đầu núm vú hoặc toàn bộ bầu ngực bị ửng đỏ.
- Sờ thấy khối cứng chắc ở trên vú gây đau dữ dội.
- Đầu núm vú có thể bị thụt vào trong.
- Có thể xuất hiện mủ trắng chảy ra từ đầu núm vú.
- Lượng sữa mẹ cho con bú giảm dần.
- Sữa mẹ có lẫn mủ hoặc có mùi hôi tanh khó chịu khiến bé không thể bú được.
- Các biểu hiện toàn thân như sốt cao từ 38 đến 40 độ, mệt mỏi, lạnh run người, ăn uống kém…
Nguyên nhân mẹ sau sinh dễ bị áp xe vú
- Tắc tia sữa do bất kỳ nguyên nhân nào đi kèm với sự xâm nhập của vi khuẩn vào ống dẫn sữa, thường gặp nhất là Staphylococcus aureus chính là căn nguyên chủ yếu của tình trạng áp xe vú sau sinh, khi mẹ bị tắc tia sữa, đồng nghĩa với việc sữa không thể chảy ra ngoài nên tạo thành cục cứng. Cùng lúc đó, sữa mới vẫn được tiếp tục tạo ra gây căng tức ống dẫn sữa, lâu ngày dẫn đến viêm tuyến vú và áp xe vú. Trong tháng đầu tiên sau sinh, khoảng 85% trường hợp áp xe vú là do nguyên nhân này. Bên cạnh đó, tình trạng ổ áp xe ở vú sau khi sinh còn do các nguyên nhân sau:
- Mẹ không thực hiện vắt sữa hoặc hút sữa dư thừa sau khi bé bú xong dẫn đến hiện tượng ứ đọng sữa.
- Bé bú mẹ không đúng cách: ngậm đầu vú mẹ quá lâu, bú kém, động tác bú không đủ mạnh hoặc cắn trầy xước vú mẹ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại xâm nhập gây bệnh.
- Mẹ mặc áo ngực quá chật hoặc thường xuyên địu bé trước ngực vô hình tạo nên áp lực quá lớn lên bầu ngực. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp khiến mẹ bị tắc tia sữa và dẫn đến áp xe vú.
- Mẹ bị căng thẳng, stress hoặc trầm cảm sau sinh khiến quá trình sản sinh hormone oxytocin giảm sút, dễ gây tắc tuyến sữa ở bầu ngực.
- Mẹ vệ sinh vùng ngực không sạch sẽ.
Áp xe vú sau sinh có nguy hiểm không?
Áp xe vú sau sinh là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được can thiệp xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ, chất lượng sữa cho con và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như:
- Gây mất sữa: áp xe vú sẽ bị ảnh hưởng đến sữa mẹ. Sữa mẹ có thể lẫn mủ hoặc mùi hôi tanh khiến bé không thể bú được. Trong trường hợp ổ áp xe quá lớn gây vỡ hoặc hoại tử có thể khiến mẹ mất khả năng tiết sữa.
- Nhiễm trùng lan rộng: Những mẹ bầu có sức đề kháng yếu, nhất là ở những tháng đầu sau sinh sức khỏe chưa hồi phục tốt có thể gặp tình trạng ổ áp xe lan rộng gây nhiễm trùng sang các cơ quan lân cận. Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp áp xe vú sau sinh con biến chứng nhiễm trùng máu, gây suy thận, viêm cầu thận cấp, đe dọa tính mạng người phụ nữ.
- Hoại tử mô mỡ vú: Thường gặp khi ổ áp xe vỡ gây hoại tử ngực. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, mẹ có thể gặp các biến chứng nặng khác như nhiễm khuẩn huyết, rối loạn đông máu, suy thận, suy đa cơ quan, hoại tử các chi và nguy hiểm đến tính mạng.
- Viêm xơ tuyến vú và nguy cơ ung thư vú có thể xảy ra trong tương lai.
Phương pháp chẩn đoán áp xe vú
Chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tình trạng áp xe vú: Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi các triệu chứng mẹ gặp phải như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi… Tiếp đến, thăm khám phần mềm của vú, xem tình trạng bầu ngực sưng đỏ, phù nề, ấn lõm ổ chứa dịch, sờ hạch nách, kiểm tra tình trạng sữa mẹ lẫn mủ hoặc có mùi hôi…
Để tăng kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ tham gia một số kiểm tra xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm CRP, chọc dò ổ viêm có mủ, cấy vi khuẩn, thực hiện kháng sinh đồ… loại trừ nguy cơ ung thư vú.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân áp xe vú tại bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
Điều trị áp xe vú sau sinh như thế nào?
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định áp dụng phác đồ điều trị áp xe vú sau sinh phù hợp. Thông thường, nếu mẹ chỉ bị áp xe vú một bên bầu ngực ở mức độ nhẹ, có thể điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống khoa học hơn, kết hợp nghỉ ngơi hợp lý và cho bé bú ở bên ngực không bị áp xe. Đối với bầu ngực bị áp xe, mẹ cần massage nhẹ nhàng, vắt hoặc hút bỏ sữa để làm thông tuyến sữa và giữ vệ sinh sạch sẽ bầu vú.
Nhân viên y tế chích rạch dẫn lưu mủ cho bệnh nhân áp xe vú tại bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
Trường hợp đã áp dụng cách trên nhưng không cải thiện triệu chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc đến các bước điều trị sau:
1. Sử dụng kháng sinh
Để nhanh chóng cải thiện triệu chứng, giúp mẹ bớt đau nhức và tránh để tình trạng viêm nhiễm lan rộng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh. Đây cũng là cách điều trị áp xe vú sau sinh phổ biến nhất.
2. Chích rạch da và dẫn lưu mủ áp xe
Nếu tình trạng áp xe vú vẫn không cải thiện sau khi dùng kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định chích nặn mủ. Với những ổ áp xe nằm sâu bên trong, bác sĩ sẽ chích rạch tháo mủ, đồng thời đặt ống dẫn lưu qua siêu âm mà không cần phẫu thuật. Sau khi tháo mủ, bên vú bị áp xe sẽ được vệ sinh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông qua bơm rửa, kết hợp sử dụng kháng sinh điều trị.
3. Phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật thường áp dụng cho những tình huống ổ áp xe vú lớn. Tương tự như thủ thuật chích rạch da, sau phẫu thuật bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu để dẫn lưu mủ hàng ngày, kết hợp sử dụng thêm thuốc kháng sinh để giảm đau, chú ý chăm sóc vệ sinh và những lưu ý theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh làm ổ áp xe tái phát hoặc hình thành các ổ áp xe mới.
Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang với đội ngũ bác sĩ Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám và điều trị cá thể hóa tình trạng áp xe vú sau sanh ở các bà mẹ giúp điều trị hiệu quả tình trạng áp xe vú, nhằm bảo vệ sức khỏe mẹ và chất lượng sữa mẹ cho bé, đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bé phát triển thể chất tốt nhất.
Vì thế, nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường ở vú ngay sau khi sinh hoặc đang cho con bú như sưng, đỏ, đau… mẹ cần thăm khám ngay lập tức để được kiểm tra và can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm./.
KHOA KHÁM VÀ DINH DƯỠNG
* Tài liệu tham khảo:
– Phác đồ điều trị sản phụ khoa 2019 – Bệnh viện Từ Dũ
– Phác đồ điều trị năm 2023 – Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
– Giáo trình Sản phụ khoa dành cho đào tạo sau đại học Tập 2- Trường Đại học y dược Huế
– Giáo dục sức khỏe năm 2020 – Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang
Tin cùng chủ đề
BVPS TG – PHÓNG SỰ: PHƯƠNG PHÁP KANGAROO NHIỀU LỢI ÍCH VỚI TRẺ SINH NON, NHẸ CÂN
Mở File PDF...
Việc thu hút bác sĩ các chuyên khoa khác phụ sản
Xem chi tiết tại đây: 75.thuhutbacsichuyenkhoakhac_signed Mở File PDF...
CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁ THAI VÀ NGUY CƠ
Phá thai là phương pháp để chấm dứt thai kỳ ngoài ý muốn, tùy theo...
Bệnh viện phụ sản tiền giang: Lợi ích của việc khám trẻ sau sinh trong tháng đầu đời
Việc khám sơ sinh là một bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo...
V/v hoàn trả tiền ký quỹ, bảo đảm thực hiện hợp đồng
Xem chi tiết tại đây: 76.chitratienkyquy,baodamthuchienhopdong_signed Mở File PDF...
Yêu cầu báo giá Vật tư đi kèm xét nghiệm
Xem chi tiết tại đây: 01.yeucaubaogiavattuxetnghiem._signed Mở File PDF...