HƯỚNG DẪN SẢN PHỤ CHUẨN BỊ TRƯỚC PHẪU THUẬT TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG

Chuẩn bị trước mổ là một khâu cực kì quan trọng. Đây là thời điểm mà sản phụ có thể được chuẩn bị tốt về tinh thần và thể chất cho một cuộc phẫu thuật. Đồng thời để giảm lo lắng cho sản phụ nhằm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra trong cuộc mổ.

  1. Sản phụ cần chuẩn bị gì cho một ca sinh mổ?

Sau khi nhập viện và được chỉ định sinh mổ thì sản phụ sẽ được nhân viên y tế cung cấp đầy đủ thông tin về cuộc mổ, phương pháp vô cảm (gây tê/gây mê), sẽ ký cam kết chấp thuận cho bác sĩ thực hiện phẫu thuật và gây tê/gây mê theo kế hoạch cũng như hoàn tất các xét nghiệm trước mổ. Bên cạnh đó sản phụ còn được các nhân viên y tế tận tình hướng dẫn các dịch vụ chăm sóc toàn diện cho mẹ và bé tại bệnh viện, sản phụ chỉ cần nghỉ ngơi và chuẩn bị tinh thần cho ca mổ. Trong thời gian nằm viện chuẩn bị mổ, nhân viên y tế sẽ kiểm tra các chỉ số của thai nhi và sản phụ để đảm bảo đủ điều kiện cho ca mổ. Khi sản phụ đến phòng mổ sẽ được nhân viên phòng mổ tiếp nhận kiểm tra trước khi đưa vào phòng mổ.

  1. Lưu ý trước khi phẫu thuật

  • Tẩy trang và chùi sạch sơn móng tay, móng chân trước khi phẫu thuật
  • Chải và cột gọn tóc
  • Tháo răng giả rời
  • Tháo tất cả đồ trang sức, tư trang quý giá của sản phụ giao lại cho thân nhân cất giữ
  • Mặc đồ do bệnh viện cung cấp, không mang vớ và mặc đồ lót.
  • Đi tiểu trước khi vào phòng mổ
  • Các trường hợp có bệnh lây nhiễm đi kèm sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn chuyên biệt nhằm tránh lây nhiễm cho người bệnh khác
  • Trước khi phẫu thuật, sản phụ cần khai rõ tình trạng sức khỏe của bản thân cho nhân viên y tế để kịp thời thăm khám tình trạng sản phụ như tiền căn dị ứng( thuốc, thức ăn, nước uống), bệnh lý về tim mạch (huyết áp, bệnh lý van tim,..), hô hấp (hen/suyễn, bệnh lý về phổi,…), nội tiết (tiểu đường, bướu cổ,…), bệnh lây nhiễm, co giật, tiền căn đã và đang sử dụng thuốc,… .
  1. Vệ sinh cơ thể trước khi phẫu thuật

  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Bệnh viện sẽ hướng dẫn sản phụ tắm trước khi phẫu thuật
  • Kỹ thuật tắm như sau: Dùng tay thoa xà phòng thật kỹ toàn bộ cơ thể, đảm bảo toàn bộ bề mặt da trên cơ thể đều được cọ sạch với xà phòng. Sau đó, sản phụ xả nước sạch và lau khô người bằng khăn sạch. Sản phụ không cần gội đầu nếu đầu đang sạch. Sau lần tắm cuối cùng, mặc quần áo sạch do bệnh viện cung cấp.
  1. Hướng dẫn nhịn ăn uống và sử dụng thuốc trước phẫu thuật

  • Cần từ 6 – 8 giờ sau ăn để dạ dày ở trạng thái trống, sẵn sàng cho trường hợp gây mê, tránh nguy cơ thức ăn và dịch từ dạ dày có thể vào phổi nếu dạ dày vẫn còn thức ăn hoặc nhiều dịch. Do đó sản phụ cần kết thúc bữa ăn cuối trước khi lên phòng mổ khoảng 8 tiếng.
  • Sản phụ có thể được uống một ít nước cho đến vài giờ trước khi phẫu thuật.
  • Bác sĩ có thể cho sản phụ uống một số loại thuốc với một ngụm nước nhỏ trong suốt thời gian nhịn ăn uống. Bác sĩ sẽ thảo luận và hướng dẫn sản phụ về các loại thuốc sản phụ đang uống.
  • Những loại thuốc có thể gây ra biến chứng chảy máu nhiều trong quá trình phẫu thuật như aspirin và một số thuốc làm loãng máu khác có thể được yêu cầu ngưng trước khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật khoảng 1 tuần.
  • Một số vitamin và thảo dược như nhân sâm, tỏi, Ginkgo biloba…, có thể gây biến chứng trong quá trình phẫu thuật. Sản phụ cần phải trao đổi với bác sĩ về các loại sản phẩm bổ sung đang sử dụng.
  • Thông thường, sản phụ sẽ được hướng dẫn ngưng uống thuốc điều trị đái tháo đường vào buổi sáng ngày phẫu thuật. Nếu sản phụ dùng insulin, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều hoặc chỉnh liều theo lượng đường trong máu.
  • Nếu sản phụ có bệnh lý ngưng thở khi ngủ, cần thông báo tình trạng này với bác sĩ để bác sĩ và điều dưỡng chủ động có kế hoạch theo dõi hô hấp cho sản phụ trong và sau khi phẫu thuật.
  1. Quản lý tư trang của sản phụ

Sản phụ không nên mang theo các vật dụng quý giá khi nhập viện. Nếu đã mang theo, hãy nhờ người nhà cất giữ. Bệnh viện không chịu trách nhiệm về những vật dụng, tư trang quý giá của sản phụ.

Hoàn thành các bước chuẩn bị này xong sản phụ sẽ được nhân viên phòng mổ đưa vào phòng mổ và tiến hành ca sinh mổ.

Hình 1. Sản phụ chuẩn bị vào phòng mổ

Hình 2. Sản phụ được nhân viên y tế đưa vào phòng mổ

Khi vào phòng mổ sản phụ sẽ được truyền dịch, gắn máy theo dõi sát tình trạng sức khỏe trong suốt quá trình phẫu thuật. Sản phụ sẽ được Bác sĩ gây mê khám, khai thác, đánh giá một lần nữa về tình trạng sức khỏe để đưa ra lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp (gây tê/gây mê) để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé sản phụ cần cung cấp thông tin thành thật và chính xác.

Hiện nay, nhờ kỹ thuật y học hiện đại, hầu hết các ca sinh mổ sẽ được gây tê tủy sống mà không cần phải tiến hành gây mê.

Quá trình gây mê hoặc gây tê diễn ra nhanh chóng, trong vòng khoảng 5-10 phút. Trong trường hợp gây tê tủy sống, sản phụ sẽ được nhân viên y tế tận tình hướng dẫn ngồi đúng tư thế để bác sỹ tiến hành gây tê. Còn trường hợp gây mê thì thai phụ sẽ được tiêm thuốc mê và đặt ống thở qua đường miệng.

Sau khi hoàn thành bước gây mê hoặc gây tê tủy sống thì sản phụ sẽ được đặt nằm ngửa trên bàn mổ và tiến hành đặt thông tiểu, vệ sinh và sát khuẩn vùng bụng. Sau đó,nhân viên y tế sẽ đắp một tấm vải vô trùng để che kín từ vùng bụng của sản phụ trở xuống.

Tiếp theo sản phụ sẽ được kiểm tra cẩn thận và  bác sĩ sẽ tiến hành ca mổ

Một ca sinh mổ tại phòng mổ diễn ra khá nhanh chóng, chỉ mất khoảng 45 đến 60 phút. Tuy nhiên thời gian này chỉ tính cho những ca mổ diễn ra thuận lợi, những trường hợp cấp cứu hoặc có biến chứng thì bác sĩ sẽ tiến hành các bước xử lý phù hợp.

Sau khi lấy thai nhi ra khỏi bụng mẹ, các Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng  mẹ và bé, nếu thỏa điều kiện da kề da sẽ cho bé thực hiện da kề da với mẹ ngay và các Bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các bước và kết thúc ca mổ. Trường hợp không thỏa điểu kiện thực hiện da kề da, bé sẽ được chuyển đến phòng sơ sinh và được chăm sóc bởi chuyên khoa sơ sinh. Như vậy là đã hoàn thành xong các bước của một ca sinh mổ trong phòng mổ.

Hình 3: Bé làm da kề da (EENC) với mẹ trên bàn mổ

Sau đó sản phụ sẽ được rời phòng mổ và chuyển đến phòng hồi sức theo dõi tiếp tục. Trong suốt quá trình sản phụ sẽ được hướng dẫn tận tình, chăm sóc chu đáo, giải đáp tất cả thắc mắc từ đội ngũ y tế tận tâm chuyên nghiệp của bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.

Trên đây là một số hướng dẫn cần thiết cho sản phụ chuẩn bị khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, nhằm giúp sản phụ giảm bớt lo lắng, áp lực , bỡ ngỡ,…Qua đó, góp phần giảm tai biến, biến chứng, cho cuộc mổ tiến đến mục tiêu “MẸ TRÒN CON VUÔNG, NIỀM VUI TRỌN VẸN”./.

Trần Thị Thủy Tiên

Khoa Gây mê hồi sức – sơ sinh

Tài liệu tham khảo: Phác đồ Bệnh viện Phụ sản tiền Giang.

Để lại một bình luận

Gọi Ngay
challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon