PHÂN BIỆT THUỐC KHÁNG SINH VÀ KHÁNG NẤM TRONG SẢN – PHỤ KHOA: HIỂU ĐÚNG – DÙNG ĐÚNG

Trong lĩnh vực Sản – Phụ khoa, các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn giữa thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm trong điều trị là nguyên nhân dẫn đến tình trạng điều trị sai hướng, bệnh dai dẳng, thậm chí tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.

  1. Khái niệm cơ bản

Thuốc kháng sinh (Antibiotics) là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, Actinomycetes), có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác.

Thuốc kháng nấm (Antifungals) lại chuyên biệt trong việc điều trị các bệnh do nấm gây ra như nấm da, nấm móng, nấm candida ở miệng hoặc âm đạo,…

  1. Tác nhân gây bệnh

  • Vi khuẩn là sinh vật đơn bào sống khắp nơi, có loại có lợi (vi khuẩn đường ruột) và có loại gây hại.
  • Nấm là vi sinh vật phức tạp hơn, có thể đơn bào hoặc đa bào, phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, đặc biệt là khi hệ miễn dịch suy yếu.
  1. Cơ chế hoạt động

  • Thuốc kháng sinh hoạt động bằng cách phá hủy thành tế bào của vi khuẩn, ngăn chặn sự sao chép DNA hoặc ức chế quá trình tổng hợp protein của chúng.
  • Thuốc kháng nấm lại nhắm vào cấu trúc đặc trưng của tế bào nấm, chẳng hạn như thành tế bào chứa ergosterol – thành phần không có ở vi khuẩn hay tế bào người.

  1. Thuốc kháng sinh trong Sản – Phụ khoa

Chỉ định: Dùng để điều trị các viêm nhiễm do vi khuẩn như viêm âm đạo do tạp khuẩn, viêm cổ tử cung do lậu, chlamydia, viêm nội mạc tử cung sau sinh…

Các loại thường dùng:

  • Nhóm Beta Lactam:
  • Penicillin: Amoxicillin, Ampicillin, Penicillin,…
  • Cephalosporin: Cefotaxim, Cefazolin, Ceftriaxon, Cefmetazol, Cefixim, Cefuroxim, Cefoperazon,…
  • Carbapenems: Meropenem,…
  • Nhóm Aminoglycoside: Tobramycin, Gentamycin,…
  • Nhóm Macrolid: Erythromycin,…
  • Nhóm Lincomycin: Clindamycin,…
  • Nhóm Tetracyllin: Doxycyllin
  • Nhóm Quinolones: Ciprofloxacin
  • Nhóm Nitroimidazole: Metronidazol,…
  1. Thuốc kháng nấm trong Sản – Phụ khoa

Chỉ định: Điều trị viêm âm đạo do nấm Candida – thường xuất hiện sau dùng kháng sinh dài ngày, thai kỳ, tiểu đường, hoặc do vệ sinh vùng kín sai cách.

Các loại thường dùng:

  • Nhóm Polyene: Nystatin,…
  • Nhóm Azole: Clotrimazol, Fluconazol, Miconazol,…

  1. Kết luận

Việc điều trị viêm nhiễm phụ khoa đòi hỏi phải xác định đúng tác nhân gây bệnh. Tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm để đặt âm đạo mà không có chỉ định sẽ dễ khiến bệnh nặng hơn, dai dẳng và dễ tái phát. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần khám phụ khoa định kỳ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hiểu đúng, dùng đúng – đó là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, đồng thời ngăn chặn tình trạng kháng thuốc nguy hiểm trong tương lai.

KHOA DƯỢC –  BVPSTG

Nguồn:

https://www.bvhungvuong.vn/danh-cho-benh-nhan/kien-thuc-y-khoa

https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/thong-tin-thuoc

https://www.msdmanuals.com

https://trungtamthuoc.com

Để lại một bình luận

Gọi Ngay
challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon