LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG – HÀNH TRÌNH 20 NĂM

Đầu những năm 2000 tình hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của tỉnh Tiền Giang nói riêng và của cả nước nói chung còn nhiều hạn chế. Phụ nữ được chăm sóc trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ chưa chu toàn nên tỷ lệ tử vong mẹ cao, tử vong trẻ sơ sinh ở mức đáng báo động. Trước thực tế đòi hỏi phải thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, trong đó có những giải pháp về mạng lưới bệnh viện. Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện Việt Nam đến năm 2005 và năm 2010của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 2417/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2003 về việc thành lập Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Từ đó Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2003.

Khai trương Bệnh viện Phụ sản

Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang được thành lập trên cơ sở tách ra từ Khoa Sản của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang; là Bệnh viện chuyên khoa Phụ sản đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long, Bệnh viện chuyên khoa đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. Bệnh viện có qui mô 150 giường bệnh kế hoạch và 110 biên chế bao gồm cả hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở Y tế Tiền Giang,có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước; thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh chuyên khoa phụ sản cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo qui chế bệnh viện chuyên khoa do Bộ Y tế ban hành. Bệnh viện có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm Giám đốc và các phó giám đốc; 04 phòng chức năng và 07 khoa chuyên môn.

Thành quả của 20 năm nổ lực

Bệnh viện được thành lập trên cơ sở Khoa Sản của Bệnh viện đa khoa tỉnh nên được sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất của Khu Sản – Nhi để làm cơ sở hoạt động. Cơ sở vật chất của khu này được người Pháp xây dựng từ năm 1925; có khu nhà chính gồm 01 tầng trệt và 01 tầng lầu bằng xi măng, cầu thang bộ được lót bằng gỗ và các khối nhà nhỏ làm các công trình phụ trợ. Vì vậy, bước đầu cơ sớ vật chất chật hẹp, xuống cấp, không xứng tầm qui mô bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh 150 giường, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động chuyện môn của bệnh viện. Thực hiện chủ trương nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế tuyến huyện , tuyến tỉnh của Chính phủ, Bệnh viện Phụ sản được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới hoàn toàn từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Ngày 30/6/2010, Bệnh viện Phụ sản khởi công xây dựng mới cơ sở vật chất với quy mô 200 giường, diện tích sàn xây dựng hơn 12.700 mét vuông. Công trình được chia thành 03 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đưa vào sử dụng từ ngày 18/9/2012 gồm Khoa Dinh dưỡng và Chống nhiễm khuẩn. Giai đoạn 2, gồm phần móng và tầng hầm, diện tích hơn 1.700 mét vuông; giai đoạn 3 là khối nhà chính gồm 01 trệt, 06 tầng lầu và 01 sân thượng, có diện tích sàn hơn 11.600 mét vuông. Tổng kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị thiết yếu gần 130 tỷ đồng, do Xí nghiệp Tư doanh xây dựng Hữu Dư thi công. Đến ngày 29/12/2013, Bệnh viện tổ chức lễ khánh thành và chính thức đưa toàn bộ cơ sở mới vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi triển khai và thực hiện các hoạt động của Bệnh viện đồng bộ, hiệu quả.

Bệnh viện Phụ sản hiện nay

Từ khi được thành lập đến nay Bệnh viện có nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy. Ban đầu Bệnh viện có 04 phòng nghiệp vụ và 07 khoa chuyên môn. Trong quá trình hoạt động Bệnh viện được bổ sung thêm một số khoa, phòng. Đến tháng 7 năm 2017, sau 14 năm hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bệnh viện được kiện toàn và nâng lên thành 21 khoa, phòng, gồm 09 phòng chức năng và 12 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, theo Quyết định số 1097/QĐ-SYT ngày 10/7/2017 của Sở Y tế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bệnh viện Phụ Sản Tiền Giang. Trong quá trình hoạt động với số lượng khoa, phòng nhiều phát sinh một số khó khăn, vì có nhiều khoa, phòng thì bộ máy cồng kềnh, hoạt động khó linh hoạt, nhân lực phải phân tán dàn mỏng, cần viên chức làm quản lý nhiều nên thiếu người trực tiếp làm chuyên môn và khó chọn đủ số lượng viên chức quản lý có đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm; nhiều công việc chồng chéo nhau và cần nhiều đơn vị phối hợp mới thực hiện được làm chậm tiến độ, hiệu quả không cao. Thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, yêu cầu sắp xếp lại các khoa, phòng theo hướng tinh gọn đầu mối bên trong là đòi hỏi cấp bách, phù hợp điều kiện thực tế Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang trong tình hình mới. Đồng thời, có điều kiện để tập trung đầu tư đào tạo nâng cao trình độ nhân lực; chuẩn bị chu đáo nhân lực, trang thiết bị để mở rộng qui mô hoạt động và phát triển thêm nhiều kỹ thuật cao trong tương lai. Xuất phát từ nhu cầu đó và từ Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Bệnh viện, Sở Y tế đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-SYT ngày 29/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn  và cơ cấu tổ chức Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Theo Quyết định này cơ cấu tổ chức bộ máy của Bệnh viện giảm đầu mối bên trong, chỉ còn lại 04 phòng nghiệp vụ và 08 khoa lâm sàng, cận lâm sàng.

Ngày mới thành lập, nhân lực của Bệnh viện được điều chuyển từ toàn bộ nhân lực của Khoa Sản và bổ sung thêm nhân lực từ phòng, khoa khác của Bệnh viện đa khoa đến; với tổng số nhân lực được giao là 100 người trên chỉ tiêu biên chế được giao 110 người. Trình độ chuyên môn nguồn nhân lực ban đầu còn hạn chế. Trình độ đại học và sau đại học 19 người, trình độ cao đẳng 4 người, trung học 55, sơ học 9 và các trình độ khác 13 người. Ban Giám đốc gồm có BS CKII Trương Thị Phương, ThS BS Cao Thị Hoàng Oanh, BS Vũ Minh Trọng. Trải qua nhiều năm tuyển dụng đào tạo, mặc dù đã có nhiều lớp viên chức, người lao động nghỉ hưu nhưng hiện nay Bệnh viện có được đội ngũ viên chức và người lao động có trình độ cao hơn rất nhiều so với ngày mới thành lập, trên 95% có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên. Riêng về trình độ chuyên môn bác sĩ Bệnh viện hiện có 04 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 02 thạc sĩ bác sĩ, 08 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 29 bác sĩ; Chuyên môn hộ sinh có 01 chuyên khoa cấp I, 28 đại học, 47 cao đẳng, chỉ còn 04 hộ sinh trung học. Tỷ lệ bác sĩ trên tổng số viên chức người lao động đạt tỷ lệ 22%, cao gấp rưỡi ngày mới thành lập; tỷ lệ hộ sinh có trình độ đại học trở lên đạt trên 36% tổng số hộ sinh.

Bên cạnh trình độ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất thì trang thiết bị, máy móc là thành phần quan trọng quyết định qui mô, trình độ, hiệu quả hoạt động của bệnh viện. Nhưng Bệnh viện Phụ sản ngày mới được thành lập, trang thiết bị máy móc phục vụ công tác chuyên môn ít về số lượng, hạn chế về công nghệ nên chất lượng khám, chẩn đoán chưa cao. Ngày mới thành lập Bệnh viện chỉ có 9 loại trang thiết bị y tế, trong đó có 02 loại có giá trị cao là máy siêu âm trắng đen. Bệnh viện chưa có siêu âm màu, không có x quang nhũ ảnh kỹ thuật số, có ít monitoring sản khoa. Trải qua 20 năm hoạt động, được sự đầu tư của Nhà nước và từ nguồn tài trợ, từ quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị đến nay bệnh viện đã có trên 220 loại máy móc, trang thiết bị hiện đại bảo đảm được công tác khám bệnh, chữa bệnh của Bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh như máy siêu âm màu 4D, 3D, monitoring sản khoa, x quang nhũ ảnh kỹ thuật số, Bàn hồi sức sơ sinh cao cấp, máy gây mê, … với công nghệ mới, tiên tiến đã góp phần rất lớn nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao năng lực chuyên môn, xứng tầm bệnh viện tuyến tỉnh.

Danh mục kỹ thuật bệnh viện thực hiện thể hiện năng lực chuyên môn của bệnh viện, trong đó kỹ thuật cao đóng vai trò quan trọng. Để từng bước mở rộng danh mục kỹ thuật Bệnh viện đã tăng cường đào tạo nhân lực ngay từ khi mới được thành lập, Bệnh viện cử đi đào tạo được 02 bác sĩ CKII, 09 bác sĩ CKI, 31 trình độ đại học, đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng cho 38 trung cấp, đào tạo sau đại học chuyên môn khác 03 viên chức và cử đi đào tạo ngắn hạn hàng trăm lượt viên chức, người lao động; kết hợp thực hiện Đề án 1816 và Đề án bệnh viện vệ tinh từ 2013 – 2020 (chia làm 02 giai đoạn 2013-2015 và 2015-2020), bình bệnh án online hàng tuần … để kịp thời cập nhật kiến thức chuyên môn cho thầy thuốc, đến nay Bệnh viện đã thực hiện được trên 300 kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến và một số kỹ thuật thuộc tuyến trên. Trong quá trình hoạt động, Bệnh viện đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng với quy mô 200 giường, trên 200 trang thiết bị y tế hiện đại (đáng chú ý là hệ thống Telecommedicine) và được chuyển giao một số dịch vụ kỹ thuật cao như: Đẻ không đau; Phẩu thuật nội soi cơ bản; Bệnh lý sàn chậu; Chuyển giao kỹ thuật IUI; Cấp cứu sản khoa; Cắt tử cung ngã bụng; Cắt tử cung ngã âm đạo;… Kết quả tỷ lệ chuyển viện lên tuyến trên giảm đáng kể (trên 10%), giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong; giải quyết được nhiều ca phức tạp. Ngoài việc thực hiện các kỹ thuật theo phân tuyến, Bệnh viện đã đầu tư mở rộng các dịch vụ kỹ thuật như massage bé, xông phục hồi sàn chậu sau sinh, massage tuyến sữa, gội đầu thảo dược, ….. đã góp phần nâng thêm chất lượng chuyên môn, tăng sự hài lòng cho khách hàng, tăng nguồn thu cho Bệnh viện.

Công tác khám bệnh, chữa bệnh là một trong bảy nhiệm vụ của bệnh viện; là nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của Bệnh viện Phụ sản. Trải qua 20 năm hoạt động Bệnh viện đã thực hiện khám được trên 1,2 triệu lượt, trong đó khám phụ khoa 300.000 lượt, bình quân khám 60.000 lượt/năm; Số lượt người điều trị nội trú trên 250.000 người, bình quân 12.500 người/năm; Số lượt sinh đạt trên 152.000 ca, bình quân 7.600 ca/năm, trong đó, tỷ lệ mổ lấy thai chiếm gần 40%; Tổng số lần xét nghiệm đạt 4.781.400, bình quân gần 240.000 lượt/năm; Tổng số lần siêu âm 872.000 lượt, bình quân 43.600 lượt/năm. Trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2023 thì trong 5 năm từ 2005 – 2009 là những năm có kết quả hoạt động chuyên môn cao nhất, tổng số lần khám chiếm 34%, bình quân khám trên 82.000 lượt/năm; số lần khám phụ khoa chiếm 35% và số xét nghiệm chiếm 37%. Tổng số ca sinh tăng dần hàng năm; hiện nay tổng số sinh các loại bình quân khoảng 8.500 ca/năm, tăng 2.000 ca so với ngày mới thành lập Bệnh viện.

Máy Siêu âm màu 4D mua năm 2023

Ngoài nhiệm vụ chính khám bệnh, chữa bệnh, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang còn thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học về y học, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật, phòng bệnh, hợp tác quốc tế và quản lý kinh tế. Trong 20 năm qua Bệnh viện đã phối hợp với các trường cao đẳng y tế, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Trà Vinh và các trường khác đào tạo được hàng ngàn lượt sinh viên trình độ cao đẳng, đại học về lâm sàng chuyên khoa sản phụ khoa; Thực hiện hàng trăm nghiên cứu khoa học và hàng năm đều tổ chức hội nghị khoa học để báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học vào công tác chuyên môn; ngoài ra Bệnh viện cũng đã phối hợp với bệnh viện tuyến trên, chủ yếu là Bệnh viện Từ Dũ để gửi cán bộ đi đào tạo, nhận chuyển giao kỹ thuật mới từ bệnh viện tuyến trên. Là bệnh viện tuyến tỉnh, phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật nên hàng năm Bệnh viện đều tổ chức giám sát hỗ trợ tuyến dưới, qua đó củng cố và nâng chất lượng chuyên môn cho tuyến dưới, giảm dần các tai biến và sự cố sản khoa, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho bà mẹ và trẻ em. Công tác phòng bệnh được Bệnh viện tích cực quan tâm nhằm kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện. Bệnh viện đã tập trung đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực để đảm bảo tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, thu gom và xử lý rác đúng qui định. Đặc biệt, trong thời gian diễn biến dịch Covid-19, Bệnh viện đã tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống dịch, thực hiện tiêm hàng chục nghìn mũi vaccine trong cộng đồng, tiếp nhận và xử lý hàng trăm ca sinh bị nhiễm Covid-19, …  góp phần vào thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Lớp đào tạo tại Bệnh viện

Hợp tác quốc tế là một nhiệm vụ Bệnh viện phải thực hiện, tuy nhiên trong thực tế có những khó khăn khách quan nên nhiệm vụ này kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, ngoài giai đoạn 2003 – 2010, cùng với việc thực hiện Dự án UNFPA trên địa bàn tỉnh mà Bệnh viện có tham gia, từ năm 2010 đến nay việc hợp tác quốc tế Bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Trong các nhiệm vụ của bệnh viện, công tác quản lý kinh tế bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng. Thực hiện tốt quản lý kinh tế sẽ hạn chế được rủi ro, phân bố nguồn lực tài chính hạn hẹp một cách hợp lý, phát huy hiệu quả cao nhất. Qua hai mươi năm, cùng với sự thay đổi cơ chế tài chính theo qui định của pháp luật, từ thực hiện Nghị địmh 10/2022/NĐ-CP, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP đến Nghị định 60/2021/NĐ-CP Bệnh viện đã ngày càng tự chủ về mặt tài chính, trong đó nguồn thu viện phí là nguồn thu chính của bệnh viện, chiếm tỷ trọng trên 50% kể cả khi Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật dịch vụ có nguồn thu bảo đảm tự chủ tài chính chi thường xuyên từ năm 2019 đến nay.

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ bệnh viện, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang còn đẩy mạnh xây dựng các tổ chức vững mạnh. Tổ chức cơ sở Đảng, ban đầu được tách ra từ Chi bộ 10 trực thuộc Đảng bộ cơ sở Bệnh viện đa khoa tỉnh với 15 đảng viên; đến năm 2010 tổng số đảng viên là 49 và từ Chi bộ cơ sở chuyển lên thành Đảng bộ cơ sở có 05 chi bộ trực thuộc. Mười ba năm sau, tổng số đảng viên tăng lên trên 81 đồng chí (có một số đã nghỉ hưu, chuyển công tác) sinh hoạt trong 08 chi bộ trực thuộc. Công đoàn cơ sở cũng được thành lập ngay từ khi mới thành lập Bệnh viện; tất cả viên chức, người lao động đều tham gia tổ chức công đoàn. Trải qua 05 kỳ đại hội, Ban Chấp hành công đoàn ngày càng vững mạnh, đã phát động nhiều phong trào, huy động được đông đảo đoàn viên tham gia và đóng góp hàng trăm triệu đồng vào chương trình mái ấm công đoàn, quỹ tấm lòng vàng, quỹ trẻ thơ; Ban Chấp hành Công đoàn đã tham gia cùng chính quyền tổ chức hội nghị viên chức, người lao động hàng năm, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm, tổ chức tham quan du lịch, tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, thực hiện các hoạt động nhân ái, hiếu hỷ, thăm ốm đoàn viên, hỗ trợ đoàn viên khi gặp khó khăn,… với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Đoàn thanh niên là tổ chức đoàn thể của bệnh viện, là lực lượng hậu bị của Đảng nên trong 20 năm qua rất được quan tâm xây dựng phát triển. Ban Chấp hành qua 5 kỳ đại hội đã lãnh đạo, huy động hàng ngàn lượt đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động tại cộng đồng như khám sức khỏe, về nguồn, giọt máu hồng, ngày chủ nhật đỏ, phòng chống dịch bệnh Covid-19, … qua tham gia các phong trào đã giáo dục lý tưởng, hoài bảo cho thanh niên, chọn lựa được nhiều đoàn viên ưu tú giới thiệu kết nạp vào Đảng.

Bình bệnh án online

Qua 20 năm nổ lực phấn đấu, xây dựng Bệnh viện phát triển, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tích, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành y tế bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; đưa hạnh phúc đến cho hàng chục nghìn gia đình. Với sự nổ lực của nhiều lớp thầy thuốc, người lao động trong suốt 20 năm qua, Bệnh viện đã đoạt được cờ thi đua cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen và được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tặng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân.

Nhìn chung, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự lớn mạnh của ngành y tế, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang ngày càng phát triển. Từ cơ sở vật chất chật hẹp, cũ kỷ đã được xây mới hoàn toàn với qui mô và kiến trúc hiện đại, đáp ứng công suất của bệnh viện 200 giường bệnh kế hoạch. Trang thiết bị được bổ sung, trang bị mới với những máy móc có công nghệ hiện đại, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu bệnh viện. Nguồn nhân lực ngày càng nhiều về số lượng, trình độ được nâng lên rõ rệt, đa số là trình độ đại học, sau đại học. Danh mục kỹ thuật được bổ sung liên tục, các kỹ thuật cao được đưa vào ứng dụng, xử lý được các ca khó, giảm tỷ lệ tai biến, tử vong rõ rệt. Các hoạt động thuộc nhiệm vụ bệnh viện được triển khai thực hiện, kết quả đạt yêu cầu. Nguồn thu của bệnh viện ngày càng đa dạng, bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên và có tích lũy, đời sống của người lao động được cải thiện; các chế độ được bảo đảm đầy đủ. Các tổ chức trong Bệnh viện được xây dựng ngày càng phát triển, vững mạnh hơn. Bệnh viện được tặng cờ thi đua, nhiều bằng khen của các cấp.

Hướng về tương lai

Trên nền tảng và thành quả 20 năm đạt được, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tiếp tục nổ lực để xây dựng phát triển trong thời gian tới. Trong tình hình tỷ suất sinh có dấu hiệu giảm dần, sự cạnh tranh giữa các bệnh viện công lập và dân lập ngay càng gay gắt, Bệnh viện Phụ sản phải xác định hướng đi phù hợp, kiên trì thực hiện mới có thể đạt được sự phát triển bền vững. Trong giai đoạn tới Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau,

  1. Củng cố, nâng chất tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc tận tâm, tận tụy và đầy trách nhiệm vì khách hàng. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng chính trị cho người lao động. Xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, ngày càng vững mạnh; thầy thuốc luôn trung thực với năng lực chuyên môn và phải liên kết, hỗ trợ nhau trong thực hiện chuyên môn; luôn có tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên và đóng góp xây dựng nhau cùng tiến bộ.
  2. Phát động các phong trào nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử; định kỳ thực hiện khảo sát sự hài lòng của khách hàng và người lao động; tổ chức tập huấn cập nhật kỹ năng giao tiếp ứng xử của viên chức, người lao động với khách hàng và giao tiếp ứng xử trong nội bộ đúng chuẩn mực; thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời chấn chỉnh hoặc xử lý khi người lao động có sai phạm; đồng thời biểu dương các viên chức thực hiện xuất sắc để động viên, khuyến khích người lao động phát huy, thể hiện cá nhân.
  3. Đẩy mạnh giáo dục y đức, thực hiện ký bản cam kết để người lao động tích cực tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện đúng qui định về y đức, dược đức, luôn tôn trọng khách hàng, không nhũng nhiễu, vòi vĩnh để trục lợi từ khách hàng; kiên quyết đấu tranh việc nhũng nhiễu, vòi vĩnh khách hàng nhằm trục lợi. Xử lý ngay khi phát hiện vi phạm.

Khách hàng chờ khám, siêu âm

  1. Xây dựng mạng lưới chăm sóc khách hàng, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng chăm sóc khách hàng; sử dụng công nghệ số để chăm sóc khách hàng và quảng bá thương hiệu bệnh viện. Thực hiện tư vấn đầy đủ khi khách hàng đến khám, giữ mối liên hệ thường xuyên với khách hàng, kịp thời giải đáp thắc mắc của khách hàng khi có yêu cầu. Duy trì đường dây nhắc khách hàng đi tái khám, tiêm vaccine, khám trẻ em lành mạnh sau sinh, … theo lịch hẹn.
  2. Bố trí nhân lực làm việc khoa học, phù hợp vị trí việc làm, phát huy năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động. Tập trung đào tạo ngắn hạn các kỹ thuật chuyên môn bệnh viện đang thiếu, đang cần; đào tạo sau đại học, ưu tiên đào tạo tại các trường có chất lượng cao, uy tín hàng đầu từ kinh phí của Bệnh viện để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, xây dựng được lực lượng kế cận vững mạnh, kịp thời đảm trách, gánh vác trách nhiệm chuyên môn; bảo đảm nâng dần năng lực chuyên môn của bệnh viện, mở rộng phạm vị chuyên môn, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và đưa vào diện qui hoạch để chuẩn bị lực lượng quản lý kế cận, đủ năng lực, phẩm chất và thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được giao.
  3. Sắp xếp trực của hộ sinh hợp lý, khoa học, bảo đảm sức khỏe lao động lâu dài; Định hướng đào tạo chuyên môn cho đội ngũ nữ hộ sinh để kịp thời bổ sung, luân chuyển nhân lực giữa các khoa nhằm tạo môi trường làm việc mới, tạo động lực mới, mở rộng phạm vi chuyên môn và nâng cao năng lực chuyên môn cho nữ hộ sinh, đồng thời giúp nữ hộ sinh giảm bớt áp lực công việc, đảm bảo sức khỏe làm việc lâu dài, nâng cao năng suất lao động và có điều kiện chăm lo gia đình.
  4. Cải tạo sửa chữa và mở rộng các phòng khám, phòng sanh tạo không gian làm việc thông thoáng, đảm bảo đạt tiêu chuẩn và bảo đảm sự kín đáo, riêng tư cho khách hàng, dễ thực hiện thao tác chuyên môn, an toàn chuyên môn, đồng thời có điều kiện để mở thêm dịch vụ phòng sanh thân thiện, sanh theo yêu cầu nhằm thu hút thêm khách hàng đến nhận dịch vụ.
  5. Rà soát lại trang thiết bị, chất lượng của trang thiết bị để bảo trì, sửa chữa hoặc thanh lý; đồng thời đầu tư bổ sung trang thiết bị y tế có chất lượng, độ chính xác cao, công nghệ mới để đảm bảo kết quả chẩn đoán, điều trị. Đầu tư máy lạnh, tivi, tủ lạnh,… cho các phòng dịch vụ để phục vụ người dân, tạo được bầu không khí sang trọng, thoái mái khi nằm viện.
  6. Bổ sung danh mục kỹ thuật mới, kỹ thuật cao; Triển khai thực hiện các xét nghiệm mà bệnh viện đã có máy, trang thiết bị để phát huy máy móc; rà soát lại các cận lâm sàng theo chỉ định chuyên môn để trang bị máy hoặc ký hợp đồng với các cơ sở khác để thực hiện. Ưu tiên ký hợp đồng với các cơ sở khác trong trường hợp bệnh viện phải chi phí đầu tư quá lớn, trình độ chuyên môn của thầy thuốc không đảm bảo. Khi ký hợp đồng với các cơ sở khác phải chú ý đến tư cách pháp nhân, năng lực chuyên môn, lợi ích của người dân và của bệnh viện.
  7. Xây dựng các đề án dịch vụ như đẻ theo yêu cầu, phòng sanh gia đình, chăm sóc hậu sản tại nhà, …. để phát huy năng lực chuyên môn của bác sĩ, hộ sinh, mở rộng phạm vi chuyên môn và tăng nguồn thu cho bệnh viện, tăng thu nhập cho đội ngũ thầy thuốc trực tiếp thực hiện công việc. Nghiên cứu, sắp xếp, phân công đơn vị quản lý khu vực làm các dịch vụ sau sanh phù hợp, phát huy chất lượng, hiệu quả.
  8. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu của bệnh viện, không để thất thoát. Đầu tư mua sắm phải có trọng tâm, trọng điểm phát huy hiệu quả. Sử dụng tài sản công đúng mục đích, phát huy hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí; sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm, … phải tiết kiệm. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảm bảo đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người lao động theo qui định của pháp luật và nguyên tắc có làm có hưởng, làm nhiều hưởng nhiều đúng với trách nhiệm của vị trí việc làm và sự đóng góp của cá nhân./.