BỆNH VIỆN PHỤ SẢN TIỀN GIANG – THỰC HIỆN TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ THEO NGHỊ ĐỊNH 73/2024/NĐ-CP

Ngày 10/7/2024, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn số 2833/SYT-KHTC về việc triển khai thực hiện Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ và Thông tư 07/2024/TT-BNV ngày 05/7/2024 của Bộ Nội vụ. Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ qui định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định là nguồn động viên cho viên chức người lao động nhưng là áp lực cho đơn vị tự chủ tài chính trong việc cân đối nguồn để chi lương.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở tăng lên 30%, từ 1,8 triệu/ tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung. Với mức lương cơ sở mới Bệnh viện sẽ tăng chi phí khá lớn cho việc chi lương, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp.

Từ đầu năm Bệnh viện đã tập trung nâng cao công tác chuyên môn, phát huy được nguồn lực hiện có, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thầy thuốc, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm thiết bị, mở rộng phạm vi chuyên môn và đa dạng hóa các dịch vụ theo yêu cầu để phục vụ người dân được tốt hơn nhưng do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, tỷ suất sinh con của tỉnh Tiền Giang giảm, sự cạnh tranh của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân… nên số lượng người đến khám tại Bệnh viện không tăng so với cùng kỳ, không theo kịp và không đủ đáp ứng cho việc chi tăng lương.

Việc tăng lương cơ sở gây khó khăn cho đơn vị tự chủ vì giá viện phí không tăng và  chưa tính đúng, tính đủ các chi phí mà đơn vị bỏ ra, chỉ tính 4/7 yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh; chưa bao gồm chi phí khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thực hiện chuyển đổi số, việc đầu tư công nghệ thông tin rất lớn mà chưa được cơ cấu vào giá ảnh hưởng đến cân đối tài chính bệnh viện. Nếu Bệnh viện giải quyết được nguồn cải cách tiền lương, tăng lương thì thu nhập tăng thêm và khen thưởng, phúc lợi cuối năm sẽ giảm do giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng, số lượt bệnh nhân khám và điều trị lại giảm.

Để đảm bảo nguồn chi lương và nâng cao thu nhập cho nhân viên, Ban Giám đốc bệnh viện đã xây dựng mới Phương án giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu áp dụng vào ngày 01/7/2024; lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh: sanh theo yêu cầu, sanh mổ theo yêu cầu, đẻ không đau, Massage Cổ vai gáy, chiếu đèn điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh, tầm soát bệnh lý tim, điếc bẩm sinh cho trẻ sơ sinh, siêu  âm  bơm  nước  vào  buồng  tử  cung, phá thai bằng phương  pháp hút chân không dưới siêu âm, làm lại thành âm đạo, tầng sinh môn, khám  bệnh ngoài giờ, siêu âm ngoài giờ, điều trị trong ngày, phòng sanh gia đình…nhằm thu hút khách hàng và đa dạng hóa dịch vụ, tăng nguồn thu của Bệnh viện.

Toàn cảnh Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang

Để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị tự chủ tài chính trong việc chi lương, ngành y tế cần điều chỉnh lộ trình xây dựng, thay đổi, bổ sung cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ chi phí. Việc chưa tính  đủ các yếu tố chi phí, sẽ không đảm bảo được cơ chế tự chủ tài chính lâu dài tại bệnh viện vì không đáp ứng đủ tiêu chí thu bù đắp chi và hiệu quả tài chính lâu dài, ảnh hưởng đến doanh thu và thu nhập của viên chức, người lao động./.

P.TCKT

Để lại một bình luận

Gọi Ngay
challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon